Lịch sử

Khái quát

Thời kỳ Đế quốc Nhật Bản thống trị Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945 chấm dứt cùng với Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt thành hai miềnLiên bang Xô viết chiếm đóng miền bắc cho đến vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía nam. Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết sau đó đã không thể đồng thuận về việc áp dụng Đồng uỷ trị ở Triều Tiên.

Vào tháng 11 năm 1947, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đề ra một giải pháp tiến hành tổng bầu cử tại Triều Tiên dưới sự hỗ trợ của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, các chính phủ lâm thời tại 2 miền Triều Tiên đã khước từ việc tuân theo giải pháp này. Hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó đã đưa ra một giải pháp khác kêu gọi bầu cử tại các địa phương với sự giúp đỡ của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Những cuộc bầu cử đầu tiên được tiến hành riêng rẽ vào ngày 10 tháng 5 năm 1948, tại những tỉnh nằm ở phía nam vĩ tuyến 38Vĩ tuyến này đã trở thành đường chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền nam và bắc Triều Tiên.

Điều này dẫn tới việc thành lập các chính phủ riêng biệt ở miền bắc và miền nam, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở phía bắc và Đại Hàn Dân Quốc ở phía nam, mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.

Căng thẳng tăng lên giữa hai chính phủ ở miền bắc và miền nam cuối cùng dẫn tới cuộc Chiến tranh Triều Tiên, khi ngày 25 tháng 6 năm 1950, Quân đội Nhân dân Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38, cáo buộc quân đội miền nam đã vượt qua trước, và tấn công – Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn Đại Hàn Dân Quốc, còn đứng đằng sau Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là Liên Xô và Trung Quốc. Cuộc chiến kéo dài tới ngày 27 tháng 7 năm 1953, khi lực lượng Liên Hiệp Quốc và Quân đội Nhân dân Triều Tiên cùng Chí nguyện quân Trung Quốc ký kết Thoả thuận đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Vùng phi quân sự Triều Tiên phân chia hai nước, và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt cho đến ngày nay.

Hơn 3 triệu người đã thiệt mạng hoặc bị thương và hàng chục triệu người khác bị mất nhà cửa hoặc vĩnh viễn chia lìa những người thân trong gia đình trong cuộc chiến tranh tàn khốc này.

Sau đó, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thống nhất đất nước trên cơ sở lập luận “một Triều Tiên”, không công nhận chính phủ Hàn Quốc và chọn con đường thống nhất đất nước bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hàn Quốc cũng coi chính phủ của mình là có chủ quyền hợp pháp trên toàn bán đảo Triều Tiên và không công nhận chính phủ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Những quan điểm cứng nhắc, không nhân nhượng này khiến cho quá trình hòa giải giữa hai bên không thể thực hiện được cho đến tận thập niên 1960. Đến thập niên 1970 quan hệ hai bên dần được cải thiện. Hai bên Triều Tiên đã chính thức công nhận chính phủ của nhau. Năm 1991, cả hai nước được công nhận để chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc cùng một lúc. Hàn Quốc đã đầu tư kinh tế và là nước chủ yếu viện trợ lương thực giúp Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vượt qua nạn đói thập niên 1990 thông qua chương trình lương thực Thế giới WEP của Liên hiệp quốc.

Tập tin:Park Geun-hye.jpg

Park Geun-hye – con gái của Tổng thống Park Chung Hee và là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Năm 1948, được sự hậu thuẫn từ phía chính phủ Hoa KỳLý Thừa Vãn – một chính trị gia từng du học tại Mỹ đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở khu vực phía nam bán đảo Triều Tiên và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Lý Thừa Vãn sau khi lên nắm quyền lực đã cho thực thi một chính sách cai trị độc tài, đàn áp quyết liệt, thẳng tay những người cánh tả, thậm chí còn sát hại không ít nhân vật, chính khách bất đồng chính kiến. Đồng thời, bộ máy quản lý đất nước do ông xây dựng lại bị nạn tham nhũng đục khoét, tàn phá nặng nề, kinh tế đất nước phát triển chậm chạp. Chính vì thế nên sang đến năm 1960, Lý Thừa Vãn phải đối mặt với làn sóng bất bình cực lớn của người dân. Cuối cùng, ông phải rời bỏ nhiệm sở, lên máy bay chạy sang bang Honolulu (Mỹ) và sống tị nạn tại đây cho tới cuối đời. Cho tới nay, dư luận ở Hàn Quốc vẫn đánh giá về Lý Thừa Vãn rất tiêu cực.

Chính phủ kế nhiệm của Chang-Myon bị lật đổ sau cuộc đảo chính của tướng Park Chung Hee vào ngày 16 tháng 5 năm 1961. Năm 1963Park Chung Hee chính thức trở thành tổng thống. Park Chung Hee sau đó trở thành nhà độc tài thứ 2 tại Hàn Quốc.

Thông qua hoạt động của “Hiệp hội kêu gọi tái thiết quốc gia”Park Chung Hee đã giải tán Quốc hội và các đảng phái chính trị đối lập hoạt động, đồng thời thẳng tay đàn áp các phong trào chống đối. Park Chung Hee ban hành các sắc lệnh cấm công nhân mít tinh, biểu tình, diễu hành. Ông còn cài cắm nhân viên thân chính phủ bên trong các tổ chức công đoàn của công nhân để giám sát và kìm hãm phong trào đấu tranh của họ. Quân đội Hàn Quốc được sử dụng như đạo quân lê dương đánh thuê cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, và cũng là lực lượng chính tiến hành các vụ đàn áp, bắt bớ và do thám trong nước theo mệnh lệnh của Park Chung Hee.[22]

Trong suốt thập niên 1960chính phủ của Park Chung Hee có xu hướng đàn áp thô bạo ngày càng gia tăng. Năm 1971, Park Chung Hee đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia “dựa trên thực tế nguy hiểm của tình hình quốc tế”. Tới tháng 10 năm 1972, ông lại khởi xướng một cuộc đảo chính để tự giải thể quốc hội và đình chỉ hiến pháp, dọn đường để bản thân lên nắm quyền lực thông qua bản hiến pháp Duy Tân vào tháng 11 và sau đó là một cuộc trưng cầu dân ý bị đánh giá, chỉ trích là gian lận nặng nề, theo đó chấm dứt bầu cử trực tiếp và chính thức suy tôn Park Chung Hee làm Tổng thống trọn đời. Park bị chỉ trích là một nhà độc tài quân sự tàn nhẫn, thế nhưng nền kinh tế Hàn Quốc đã được cải thiện rất đáng kể dưới nhiệm kỳ của Park. Chính phủ của ông đã phát triển một hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc, hệ thống tàu điện ngầm Seoul và đặt nền tảng to lớn, vững chắc cho sự chuyển biến thần kỳ, mạnh mẽ của đất nước Hàn Quốc trong những thập niên sau đó.

Ngày 16 tháng 10 năm 1979, tại Trường Đại học Pusan, một nhóm sinh viên đã xuống đường kêu gọi chấm dứt chế độ độc tài. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan rộng, buổi tối hôm đó đã có tới 50.000 người tụ tập ở phía trước của hội trường thành phố Pusan. Trong hai ngày tiếp theo, một số văn phòng công cộng đã bị tấn công và khoảng 400 người biểu tình đã bị bắt giữ. Vào ngày 18 tháng 10, chính phủ Park Chung Hee tuyên bố thiết quân luật tại Pusan. Thế nhưng các cuộc biểu tình đã lan tới thành phố Masan, đặc biệt là ở Trường Đại học Tổng hợp Kyungnam. Bạo lực leo thang với các cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát và trụ sở các cơ quan của đảng cầm quyền trong thành phố. Khủng hoảng xã hội đã khiến nội bộ lực lượng cầm quyền bị rạn nứt. Ngày 26 tháng 10 năm 1979, Park Chung Hee đã bị bắn chết bởi Kim Jae-gyu, đương kim Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS). Sau đó Kim Jae-gyu đã bị tử hình nhưng cho đến tận ngày nay, một Uỷ ban đặc biệt của chính phủ vẫn phải tiếp tục thảo luận về việc có nên coi Kim Jae Gyu là người có công cho quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc hay không.

Thời đại Park Chung Hee kết thúc trong bạo lực và bất ổn xã hội. Một chính phủ tạm thời được thành lập, đất nước bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Bản thân Park Chung Hee chết do bị ám sát bởi một quan chức thân tín phản bội. Sự nghiệp chính trị của ông cũng bị hoen ố vì độc tài và ngày nay, nhiều người Hàn Quốc căm ghét Park Chung Hee dù ông có công rất lớn trong việc xây dựng và tái thiết lại đất nước. Khi Roh Moo Hyun lên làm Tổng thống vào năm 2003, chính phủ vẫn phải tiếp tục ban hành các đạo luật mới và thành lập các uỷ ban điều tra về tình trạng bạo lực dưới thời Park Chung Hee. Tuy vậy, trong một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu và phân tích thông tin Gallup vào năm 2015 tại Hàn Quốc, Park Chung Hee đã được bình chọn là Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước này (với tỉ lệ bình chọn là 44%).[23]

Nghĩa trang Mangwol-dong ở Gwangju, thi thể các nạn nhân của vụ thảm sát Gwangju được chôn cất ở đây.

Năm 1980Chung Doo-hwan được một hội đồng bầu cử bầu lên làm tổng thống. Ngày 18 tháng 5 năm 1980, tại thành phố Gwangju – thủ phủ của tỉnh Nam Jeolla đã xảy ra vụ nổi dậy Gwangju khi người dân địa phương đánh cướp kho vũ khí của các trạm cảnh sát địa phương để chống lại cảnh sát chính phủ của Chung Doo-hwan sau khi lực lượng này đàn áp một cuộc biểu tình ôn hòa đòi cải cách nền dân chủ của sinh viên địa phương. Quân đội Hàn Quốc với cả vũ khí sát thương, vòi rồngxe tăngxe bọc thép đã được điều động đến, 4 giờ sáng ngày 27 tháng 5 năm 1980, quân đội từ 5 hướng tiến vào trung tâm thành phố và đánh bại hoàn toàn lực lượng dân quân chỉ trong vòng 90 phút. Trong sự kiện này, quân đội Hàn Quốc được cho là đã nổ súng bắn chết khoảng 1.000 tới 2.000 thường dân.[24][25]

Sau khi đàn áp hoàn toàn cuộc nổi dậy của người dân trong cuộc Thảm sát GwangjuChung Doo-Hwan bắt đầu loại bỏ các chính trị gia đối lập khỏi chính trường, và thanh lọc xã hội theo quy mô lớn. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc thiết lập một cơ sở đào tạo quân sự đặc biệt “Samcheong Education Troops”, để tiến hành chương trình “giáo dục thanh lọc”. Khoảng hơn 40 nghìn người đã bị bắt đưa đến các cơ sở của Samcheong Education Troops. Số liệu thống kê về sau cho thấy có khoảng 54 người đã bị giết trong quá trình giam giữ và 397 người bị chết sau đó. Vào năm 1986Chung Doo-Hwan ra lệnh bắt giữ và tra tấn nhiều nhà hoạt động, và rất nhiều tổ chức bị đàn áp như Liên minh Dân chủ Thống nhất và Phong trào Nhân dân.

Vào tháng 1 năm 1987, một vụ tra tấn của đã dẫn tới cái chết của Park Jong-Cheolsinh viên của trường Đại học Quốc gia Seoul. Đầu năm 1987, người dân Hàn Quốc lại bắt đầu nổi dậy sau cái chết của sinh viên họ Park. Họ tổ chức hàng loạt các cuộc bạo động lớn để phản đối chính sách bắt bớ, thủ tiêu và tra tấn tàn bạo của chế độ Chung và đồng thời tiếp tục yêu cầu tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho “Cuộc Nổi dậy Dân chủ Tháng Sáu”, từ ngày 26 đến ngày 29, có đến hơn 1,4 triệu người đã tham gia cuộc “Tuần hành Hòa bình Vĩ đại của Nhân dân”, được tổ chức tại 34 thành phố và 4 tỉnh, họ hô to khẩu hiệu “Bãi bỏ hiến pháp xấu xa” và “Xóa bỏ chế độ độc tài”. Dưới áp lực ấy, chính quyền Chung Doo-hwan đã buộc phải sửa đổi Hiến pháp, ban hành bản Hiến pháp mới vào ngày 29 tháng 10 năm 1987. Mặc cho tội ác thảm sát của mình, Chung Doo-hwan vẫn nắm vị trí cao nhất trong bộ máy quyền lực ở Hàn Quốc cho tới tận năm 1988. Năm 1996, ông bị chính phủ mới kết tội tham nhũnghối lộ, ra lệnh thảm sát và bị kết án tử hình (sau đó được giảm xuống còn chung thân, tuy vậy ông ta nhanh chóng được Tổng thống Kim Young-Sam ân xá vào ngày 22 tháng 12 năm 1997).

Các cuộc nổi dậy đã để lại dấu ấn to lớn cho sự ra đời của chính phủ dân sự vào thập niên 1990 với đường lối đối ngoại mềm mỏng hơn rất nhiều. Tới năm 1987 hiến pháp được sửa đổi, theo đó, nhân dân Hàn Quốc lại được quyền trực tiếp bầu ra tổng thống. Sự kiện này đánh dấu quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ của Hàn Quốc. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội Olympic năm 1988, một kỳ Thế vận hội vô cùng thành công và đã thúc đẩy đáng kể vị thế quốc tế của quốc gia này.[26] Hàn Quốc chính thức được mời trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc vào năm 1991.

Tổng thống Kim Dae-jung, chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2000 vì đã thúc đẩy nền dân chủ và nhân quyền ở Hàn Quốc và Đông Á và các chính sách hòa giải với Bắc Triều Tiên, ông đôi khi được gọi là “Nelson Mandela của châu Á”.[27]

Các đời tổng thống tiếp theo là tướng Roh Tae-won (1987) và Kim Young-Sam (1992). Vị tổng thống thứ sáu là Roh Tae-won cũng bị kết án vì tội hối lộ, tham nhũng. Năm 1997, Tổng thống Kim Dae-jung được trao giải Nobel hoà bình vì những nỗ lực của ông trong việc bình thường hoá quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Vào tháng 6 năm 2000, một hội nghị thượng đỉnh Liên Triều đã diễn ra tại Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên, hội nghị là thành quả tích cực sau nhiều năm Hàn Quốc thực thi “Chính sách Ánh dương” với Bắc Triều Tiên do Tổng thống Kim Dae-jung đề xướng. Cuối năm đó, ông Kim đã nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng, giải thưởng nhằm vinh danh cho những nỗ lực to lớn, thiết thực của ông vì nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2003 học trò của ông, Roh Moo-hyun kế nhiệm chức Tổng thống Hàn Quốc. Thế nhưng sau đó, đến lượt Roh Moo-hyun cũng phải đối mặt với lời buộc tội tham nhũng, và ông Roh tự sát vào ngày 23 tháng 5 năm 2009 bằng cách nhảy xuống từ một mỏm núi khi các cuộc điều tra đang tiếp diễn, do vậy nhiều người nghi ngờ vụ tự sát của ông là do sức ép từ các thế lực khác.

Sau đó là ông Lee Myung-bak làm tổng thống trong giai đoạn 2008-2013. Năm 2018, ông Lee bị bắt giam do bị tòa án cáo buộc ít nhất 12 tội danh, trong đó có việc nhận hối lộ 11 tỷ won (tương đương 10,2 triệu USD) của Cơ quan Tình báo nhà nước và các doanh nghiệp Hàn Quốc. Bên cạnh đó, còn là những cáo buộc về tội danh trốn thuế và chiếm đoạt 35 tỷ won từ một công ty mà ông Lee Myung-bak bí mật sở hữu.[28] Vào tháng 3.2019, ông Lee được tại ngoại vì những lo ngại về sức khỏe. Tuy nhiên, vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, tòa án quận trung tâm Seoul đã tuyên án ông Lee Myung-bak 17 năm tù và phạt tiền 13 tỷ won (tương đương 11 triệu USD).[29]

Tiếp đến là Park Geun-hye (con gái của cố Tổng thống – nhà độc tài Park Chung Hee), bà là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại đồng thời là vị Tổng thống dân cử đầu tiên tại châu Á. Tuy nhiên, tới đầu năm 2017, đến lượt bà Park Geun-hye cũng bị Quốc hội nước này phế truất và bắt giam với các cáo buộc; rằng bà Park đã tiết lộ bí mật quốc gia, nhận hối lộ, để người không có bất kỳ chức vụ, thẩm quyền gì là bà Choi Soon-sil (bạn thân của bà Park) can thiệp bất hợp pháp vào các tài liệu mật cũng như các công việc nội bộ của chính phủ, lạm quyền và tham nhũng.

Như vậy, tính đến năm 2018, trong số 11 Tổng thống Hàn Quốc (không tính các quyền Tổng thống chỉ tạm đảm nhiệm chức vụ trong mấy tháng do khủng hoảng chính trị), đã có một người bị ám sát, 1 người tự sát do bị điều tra, 1 người bị đảo chính và phải chạy ra nước ngoài tị nạn, 4 người khác bị bắt giam do các tội danh liên quan đến tham nhũng, nhận hối lộ.

Tái thống nhất với Bắc Triều Tiên là một chủ đề chính trị đang được bàn luận ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một hiệp định hoà bình nào được ký kết. Luật an ninh quốc gia Hàn Quốc hiện vẫn không cho phép người dân tiếp nhận bất cứ thông tin nào từ phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, những ai tỏ thái độ ủng hộ hoặc phát biểu ca ngợi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có thể bị kết án lên tới 10 năm tù giam[30][31][32]. Tổng thống Roh Moo-hyun đã nghĩ tới việc dỡ bỏ luật này, nhưng hiện tại điều đó vẫn chưa được thực thi.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *